Đến miền Tây, xin hãy dừng chân nếm thử bánh xèo, bún mắm, bún cá, bánh cóng...và nhiều đặc sản khác của xứ Nam Kì Lục Tỉnh.
Nhắc đến ẩm thực miền Tây ta không thể không nhắc đến những bánh xèo miền Tây, Bún mắm miền Tây, Bún cá Kiên Giang, Bánh cóng Cà Mau. Đó chính là những món ăn mà nếu bạn chưa từng thử qua thì không được xem là đã đến với miền Tây. Điểm chung của những món ăn này đó chính là sự chân chất, mộc mạc và giản dị đến lạ thường. Nhưng không vì vậy mà các món ăn miền Tây thiếu đi sự tinh tế, tỉ mỉ trong cách chế biến. Sự hấp dẫn đến khó cưỡng lại của ẩm thực miền Tây đến từ sự hòa quyện hoàn hảo giữa chất mộc mạc và sự tinh tế ở trong từng món ăn. Bạn hãy cùng Hương Hải Hạ Long bắt đầu chuyến hành trình ẩm thực thú vị này nào.
Đọc thêm:
- 10 món ăn đắt đỏ nhất thế giới
- 10 món ăn Việt nức tiếng trên thế giới
- Ẩm thực Việt Nam qua ngòi bút phóng viên nước ngoài
Sông nước miền Tây – nơi đã sản sinh ra nhiều thức ngon vật lạ - Ảnh: Huy Nguyen
1. BÁNH XÈO MIỀN TÂY
Nhắc đến ẩm thực miền Tây ta không thể không nhắc đến đầu tiên món bánh xèo miền Tây. Nếu ai đã từng thưởng thức qua món bánh thì chắc hẳn sẽ không thể quên được cái hương vị đậm đà, đầy chất dân dã của nó. Nói đến đây thì chắc hẳn có bạn sẽ thắc mắc: miền Trung cũng có bánh xèo vậy thì bánh xèo miền Trung và bánh xèo miền Tây khác nhau chỗ nào.
Hấp dẫn bánh xèo miền Tây - Ảnh: sưu tầm
Đặc điểm để bạn dễ dàng phân biệt nhất giữa bánh xèo miền Trung vào bánh xèo miền Tây đó chính là kích thước của chúng – bánh xèo miền Tây to hơn bánh xèo miền Trung rất nhiều. Ngoài ra, nếu bánh xèo miền Trung chỉ được đổ bằng một cái khuôn bằng cỡ gang tay thì bánh xèo miền Tây lại được đổ bằng một cái chảo khá lớn, có lẽ vì vậy mà bánh xèo miền Tây còn có một tên gọi khá thân thuộc khác là “bánh xèo chảo”.
Các loại rau thường dùng để ăn cùng với bánh xèo miền Tây - Ảnh: Lyly33
Cái hấp dẫn nhất của bánh xèo miền Tây đó chính là lớp vỏ bánh mỏng tang, giòn rụm, khi thưởng thức bạn sẽ có cảm giác như từng miếng bánh xèo tan ngay trong miệng. Nhân bánh xèo cũng rất đa dạng, tùy từng theo từng vùng mà nhân bánh xèo miền Tây sẽ có sự khác nhau có thể là giá, nấm, bông điên điển, thịt ba rọi, tép, thịt gà, thịt vịt băm nhuyễn nhưng đặc trưng và phổ biến nhất vẫn là các loại nguyên liệu tìm được ngay trên vườn nhà hoặc đồng ruộng: tép, bông điên điển, rau vườn. Bánh xèo miền Tây ăn ngon nhất khi được cuốn cùng bánh tráng kèm một vài loại rau vườn như cải bẹ xanh, rau diếp cá, rau thơm. Riêng bánh xèo ở núi Cấm – An Giang thì loại rau ngon nhất để ăn với bánh xèo lại chính là các loại rau núi.
Bánh xèo thường được dọn chung với một dĩa rau sống, một chén nước mắm và đôi khi là có một ít dưa chua - Ảnh: sưu tầm
2. BÚN MẮM MIỀN TÂY
Ngoài Bánh xèo miền Tây thì Bún mắm miền Tây cũng là một món ăn hễ khi nhắc đến là ta sẽ nhớ đến ngay vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Cái cảm giác khi ăn một tô Bún mắm miền Tây cũng như khi bạn ăn một múi sầu riêng – loại quả đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Hương thơm của Bún mắm miền Tây cùng giống như sầu riêng, cái hương thơm mà không phải ai cũng thấm thía và cảm nhận được hết, nhưng mà nếu đã “thấm” thì lại “nghiện” lúc nào không hay.
Đậm đà hương vị bún mắm miền Tây - Ảnh: T.Khanh Nguyen
Sức hấp dẫn của món ăn đền từ những sợi bún trắng trong, tròn tròn, mềm mềm kết hợp hương vị đậm đà mùi mắm của nước lèo. Nước lèo của món bún mắn miền Tây được chế biến từ mắm cá linh hoặc mắm cá sặc được nấu cho rã thịt rồi lọc lấy phần nước trong. Để món ăn thêm phần hấp dẫn người dân miền Tây đã kết hợp thêm nhiều loại nguyên liệu khác vào một tô Bún mắm miền Tây như thịt heo quay, mực… Tô bún sẽ thêm phần ngon miệng khi bạn vắt vào đó một chút chanh chua chua, thêm vào một chút đậm đà của nước mắm và một chút cay cay của ớt tươi thái mỏng. Bún mắm ngon nhất khi được ăn kèm với các loại rau: rau đắng, cọng bông súng… - những loại rau đã quá đỗi quen thuộc đối với bất kỳ người dân Nam Bộ nào.
Một dĩa rau sống kèm một miếng chanh và ớt tươi khiến món bún thêm phần hấp dẫn - Ảnh: noodlepie
3. BÚN CÁ KIÊN GIANG
Bên cạnh Bún mắm miền Tây thì Bún cá Kiên Giang cũng sẽ là một món bún mà bạn không thể không ăn khi đến với vùng miền Tây sông nước. Cái tên “Bún cá” mộc mạc của món ăn đã cho ta biết được nguyên liệu chính của món ăn là bún tươi và cá lóc đồng. Nghe thì có vẻ đây là một món ăn khá đơn giản những thực ra để làm ra được một tô bún cá ngon đúng vị thì quả là một kỳ công của người nấu. Chính sự mộc mạc, đơn giản nhưng không kém phần tinh tế đã tạo nên một sức hấp dẫn rất riêng cho món ăn miền Tây đặc biệt này.
Mộc mạc món bún cá Kiên Giang - Ảnh: sưu tầm
Muốn có một tô bún cá Kiên Giang ngon thì từ ngay khâu chọn nguyên liệu phải rất kỳ công. Cá lóc phải là cá lóc đồng, nhưng để cho bún thêm phần ngon và tròn vị thì phải chọn con cá thật to – to cỡ khoảng 1 kí. Cá sau khi làm sạch thì được chặt thành 3 đến 4 khúc, riêng phần đầu thì phải được làm cho thật kỹ, phải khéo léo tách đầu cá sao để dính nguyên cả bộ lòng cá. Cá sau khi được làm sạch thì sẽ được hấp chín. Trong một tô bún cá thì không thể thiếu đi loại tép đất, tép bạc được phi thơm. Bún cá Kiên Giang sẽ ngon nhất khi trúng vào mùa cá trứng, người ta đánh trứng cá cho tơi ra, cho vào nồi nước, trứng nổi lên vàng tươi trông thật hấp dẫn.
Màu vàng của trứng cá khiến tô bún thêm phần hấp dẫn - Ảnh: sưu tầm
Nếm một chút nước lèo của món Bún cá Kiên Giang bạn sẽ cảm nhận được một chút vị ngọt thanh từ thịt cá, một chút vị mặn mặn của biển cả, sự hòa quyện tuyệt vời này đã tạo nên một đặc trưng không thể lẫn lộn vào đâu của món Bún cá Kiên Giang. Bạn hãy nhẹ nhàng chấm từng miếng cá lóc trắng phau vào chén nước mắm rồi từ từ thưởng thức cái vị dai dai ngọt ngọt của miếng cá rồi ném một chút nước lèo, lúc đó, bạn mới có thể thưởng thức hết vị ngon của tô bún cá. Món Bún cá Kiên Giang sẽ chỉ trở nên tròn vị khi được ăn cùng với rau muống, thân chuối thái mỏng, giá, rau thơm, rau răm kèm với một chút nước mắm Phú Quốc pha một ít vị cay cay của ớt tươi.
Bún cá Kiên Giang phải được dọn kèm với một dĩa rau sống và một chén nước mắm mới đúng vị - Ảnh: sưu tầm
4. BÁNH CÓNG CÀ MAU
Bánh cóng – một món bánh với cái tên khá độc đáo – sẽ là một món ăn mà bạn không thể bỏ qua khi đến với vùng miền Tây sông nước đặc biệt là khi đến với Cà Mau – vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Cái tên “bánh cóng” bắt nguồn từ chính dụng cụ đã tạo nên món bánh – chiếc cóng, vật có hình dáng giống một ca nhôm nhỏ, gắn với tây cầm để tiện lợi cho việc đổ bột vào. Cái tên của món ăn sẽ cho bất kỳ ai chưa thưởng thức món ăn này một cảm giác khá lạnh lẽo nhưng khi đã ăn vào thì cảm giác hoàn toàn ngược lại – rất nóng và giòn.
Nóng giòn từng chiếc bánh cóng miền Tây - Ảnh: sưu tầm
Bánh cóng được làm từ những nguyên liệu khá dân dã như bột gạo, thịt xay nhuyễn, tôm tươi và đậu xanh đã được luộc chín. Bánh cóng được ăn kèm với rau xà lách, rau thơm các loại, chấm với nước mắm chua chua, ngọt ngọt, cay cay, kết hợp với một chút đồ chua từ củ cải đỏ và trắng. Hương vị không thể nào quên của món ăn chính là sự kết hợp khéo léo giữa mùi thơm của thịt, hành lá, tôm, cùng với vị beo béo ngậy ngậy của đậu xanh và cái cảm giác mềm xốp khi cắn vào phần vỏ bánh hòa quyện với cái vị chua cay hấp dẫn của nước mắm chua ngọt.
Bánh cóng thường được ăn kèm với một chút rau sống chấm với nước mắm chua ngọt - Ảnh: sưu tầm
Trong hành trình khám phá miền Tây sông nước, bên cạnh những chùm trái cây thanh ngọt, các món ăn đặc sản miền Tây cũng sẽ là những sản vật mà bạn không nên bỏ qua khi đến với vùng đất này. 4 món ngon đặc sản miền Tây mà Hương Hải Hạ Long đã giới thiệu cho bạn chắc chắn sẽ là những trải nghiệm ẩm thực mà bạn sẽ không thể nào bỏ lỡ khi đến với vùng đồng bằng màu mỡ nơi “chín con rồng hội tụ”. Hãy để Mytour cùng bạn đến với vùng đất miền Tây sông nước tươi đẹp nào!
Theo mytour.vn
0 comments:
Post a Comment